Cholesterol là gì?
Cholesterol là một hợp chất rất quan trọng đối với hoạt động sống của cơ thể, nó có thể là bạn và có thể là kẻ thù của con người.
Cholesterol là một hợp chất không thể thay thế, đóng vai trò trung tâm xây dựng màng tế bào, hoocmon sinh dục và thúc đẩy quá trình tiêu hóa nhưng nó cũng là một nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim (bệnh mạch vành).
Cholesterol trong máu được cung cấp bằng hai nguồn: từ thức ăn và được tổng hợp từ tế bào gan. Các thức ăn có chứa nhiều cholesterol như mỡ động vật, trứng, bơ, phomat, gan.
Có mấy dạng cholesterol?
Trong gan, cholesterol kết hợp với protein tạo ra hai dạng cholesterol là LDL (lipoprotein có trọng lượng phân tử thấp) và HDL (lipoprotein có trọng lượng phân tử cao), và được vận chuyển vào dòng máu.
HDL mang ít cholesterol nên có thể kết hợp với cholesterol tự do trong máu và vận chuyển về gan để xử lý, vì vậy nếu hàm lượng của HDL trong máu càng cao thì càng giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành. Người có hàm lượng HDL trong máu cao hơn 60mg/dl là ngưỡng an toàn đối với bệnh tim mạch, thấp hơn 40mg/dl là có nguy cơ mắc bệnh cao.
Ngược lại, LDL chứa nhiều cholesterol và khởi xướng sự hình thành các mảng xơ vữa trên thành các động mạch nói chung và các động mạch vành tim nói riêng (trạng thái này gọi là xơ vữa động mạch).
Các mảng xơ vữa này gây hẹp hay tắc lòng mạch máu nuôi dưỡng cơ tim gây ra các cơn đau tim. Hàm lượng LDL càng cao thì nguy cơ mắc bệnh mạch vành càng cao.
Mặc dù hàm lượng LDL và HDL là những chỉ số tốt nhất để dự đoán nguy cơ mắc bệnh mạch vành, nhưng xác định hàm lượng cholesterol toàn phần trong máu cũng rất quan trọng để dự đoán nguy cơ bị bệnh mạch vành. Nếu một người có hàm lượng cholesterol toàn phần trong máu thấp hơn 200mg/dl thì ít có nguy cơ mắc bệnh mạch vành, nhưng nếu cao hơn 240mg/dl thì có nguy cơ mắc bệnh cao.
Kiểm soát lượng cholesterol
Biện pháp hữu hiệu nhất để giảm hàm lượng LDL, tăng HDL và giảm cholesterol máu toàn phần là thay đổi chế độ ăn và tăng cường tập thể dục thể thao. Cần giảm lượng chất béo sử dụng chung, đặc biệt là giảm lượng chất béo no chứa trong mỡ động vật.
Để đạt được điều này nên: hạn chế sử dụng các loại thịt, cá xuống còn 150-200g mỗi ngày. Nên sử dụng thịt thăn, thịt bắp không dính mỡ. Loại tất cả những phần mỡ nhìn thấy trước khi chế biến và lượng mỡ được tạo ra trong quá trình đun nấu. Không ăn da, đầu, cổ, cánh của các loại gia cầm như: gà, ngan, vịt. Hạn chế ăn lưỡi, tim, gan, lợn. Dùng dầu thực vật để chế biến thức ăn, nhưng cũng phải hạn chế.
Theo tính toán, nếu giảm lượng cholesterol trong khẩu phần ăn hàng ngày đi 1% sẽ giảm được 2% nguy cơ mắc bệnh mạch vành.
Trong nhiều công trình nghiên cứu, các nhà khoa học ở Mỹ và Nga đã chứng minh rằng, có thể kềm chế và làm thoái lui sự phát triển xơ vữa động mạch ở các bệnh nhân tim mạch nói chung và bệnh nhân mạch vành nói riêng bằng việc thực hiện các bài tập rèn sức bền như: đi bộ nhanh, chạy việt dã, bơi, đạp xe đạp, đặc biệt là đi bộ nhanh 5-7 buổi/tuần, mỗi buổi 40-60 phút hay chạy việt dã 2-3 buổi/tuần, mỗi buổi 20-40 phút có tác dụng tốt đối việc điều hòa lượng cholesterol máu sau 3-6 tháng tập luyện.
Tóm lại, cholesterol là một chất rất cần thiết cho cơ thể, tuy nhiên mỗi người cần phải biết kiểm soát hàm lượng cholesterol máu của mình, kiểm tra và điều chỉnh bằng chế độ dinh dưỡng khoa học kết hợp với tăng cường tập luyện thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe.
Biên tập Nguyễn Bình